Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không thể thiếu Blockchain
9/6/2019 8:38:15 AM
Khoảng bốn năm trở lại đây, blockchain (chuỗi khối) được đánh giá là một trong mười công nghệ quan trọng dẫn đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của nhân loại.
Blockchain được định nghĩa là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin, dữ liệu bằng các khối liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian.
ới đặc tính phi tập trung, minh bạch và độ bảo mật cao, blockchain được đánh giá là công nghệ mang tính cách mạng, dẫn dắt sự thay đổi trong tương lai, ứng dụng được trong nhiều ngành nghề lĩnh vực như tài chính ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hoá, viễn thông…
Theo Mark Gates, với một giao dịch tài chính, có thể quan sát trạng thái chuyển giao trên blockchain theo thời gian thực, thay vì không biết tình trạng giao dịch như thế nào cho đến khi giao dịch kết thúc – một vấn đề thường xảy ra trong các hệ thống hiện hành.
Giới chuyên gia đều nhận định, việc tận dụng công nghệ dựa trên nền tảng blockchain trong giới tài chính có nhiều triển vọng. Khả năng của blockchain trong việc xử lý thông tin nhanh hơn nhờ loại bỏ được các đơn vị trung gian có thể giúp giảm bớt chi phí đồng thời đẩy nhanh tốc độ.
Năng lực này không chỉ được ứng dụng trong chuyển giao tiền tệ, buôn bán cổ phiếu, thanh toán, thoả thuận mà còn nhiều hoạt động khác thuộc phạm vi nghiệp vụ cốt lõi của các cơ sở tài chính.
Như việc sử dụng công nghệ sổ cái phân tán trong hệ thống thanh toán, thanh toán liên ngân hàng nội địa (hệ thống chính hoặc dự phòng) giúp nhất quán và tránh khỏi các mối đe dọa. Các ngân hàng triển khai nghiên cứu ứng dụng blockchain trong khả năng phục hồi và dự phòng hệ thống thanh toán như NHTW Brazil, NHTW Đông Caribe.
Các quy trình kỹ thuật số về KYC và chống rửa tiền (AML) cũng tận dụng công nghệ sổ cái phân tán để theo dõi và chia sẻ thông tin nhận dạng của khách hàng. Cơ quan Tiền tệ Hong Kong hiện là NHTW đang ứng dụng giải pháp này.
HSBC và State Street cũng đã thử nghiệm thành công blockchain trong các giao dịch trái phiếu. UBS và Santander thử nghiệm công nghệ này cho các giao dịch thanh toán quốc tế…
Tại Việt Nam, hệ sinh thái blockchain được hình thành từ nhiều góc độ bao gồm các công ty khởi nghiệp, các nhà đầu tư nhỏ lẻ và các doanh nghiệp lớn… Theo các chuyên gia đến từ IBL (Infinity Blockchain Labs), ở ngành công nghiệp tài chính – thanh toán, blockchain dự đoán sẽ đạt giá trị 20,3 tỷ USD vào năm 2030.
Công nghệ blockchain tại Việt Nam đang được áp dụng rộng rãi vào các lĩnh vực chủ chốt dịch vụ tài chính (83%), chuỗi cung ứng (40%) và dịch vụ công cộng (30%).
Theo chuyên gia, ở Việt Nam, blockchain có thể ứng dụng vào rất nhiều hoạt động khác nhau trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng như: thanh toán và chuyển tiền; tài trợ thương mại, bao thanh toán; tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành; giao dịch ngoại hối, chứng khoán; bảo hiểm…
Hoặc có thể cả các dịch vụ hỗ trợ khác như nhận diện khách hàng, phòng chống rửa tiền hay các dịch vụ hỗ trợ khác, chống tài trợ khủng bố.
Thừa nhận blockchain sẽ đem tới sự thay đổi trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng khi được ứng dụng, song với Việt Nam, IBL nhận thấy một trong những trở ngại nằm ở pháp lý quốc gia khi chưa xây dựng được khung pháp lý hoàn thiện.
Chính sự phát triển quá nhanh của thời đại công nghệ, hệ thống pháp luật khó có thể theo kịp xu hướng. Đó là chưa kể hệ thống pháp lý quốc tế cũng còn tồn đọng nhiều bất cập vì sự thiếu đồng nhất trong quản lý các giao dịch liên quan tới blockchain, nên việc triển khai trên phạm vi quốc tế là điều không đơn giản.
Một chuyên gia cũng chia sẻ thêm, trước khi blockchain có thể được ứng dụng rộng rãi, nhất là với lĩnh vực tài chính – ngân hàng tại Việt Nam, cần xem xét các khía cạnh pháp lý mà công nghệ này có thể được quản lý theo quy định hiện hành như Luật Chứng khoán, Luật Các TCTD, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Song bên cạnh vấn đề pháp lý, vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu định danh cá nhân cũng vô cùng quan trọng trong việc làm nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ 4.0, trong đó có blockchain. Chính phủ mới đây đã ban hành Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.
Đề án được kỳ vọng sẽ tạo môi trường kinh doanh bình đẳng hơn giữa doanh nghiệp truyền thống với doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình mới; đảm bảo quyền, trách nhiệm, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng; khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.
Đề án cũng có nội dung thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách (sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ.
Nguồn: blogtienao.com