Công nghệ đằng sau Bitcoin và tiền ảo
9/10/2019 8:48:46 AM
Có thể ứng dụng nền tảng blockchain trong nhiều lĩnh vực, như đã thảo luận ở những chương trước. Do blockchain vốn được thiết kế cho mạng lưới Bitcoin để đảm bảo tính minh bạch và bảo mật, nên nhiều người thường lầm tưởng blockchain và tiền ảo là một.
Đây là những khái niệm hoàn toàn khác biệt. Đầu tiên, Bitcoin là một loại tiền ảo dùng để mua/bán tiền trên khắp thế giới. Bạn có thể tham gia mạng lưới Bitcoin, hoặc mạng lưới của bất cứ đồng tiền điện tử nào khác và chọn loại tiền bạn muốn mua. Đây là loại tiền tệ chỉ tồn tại trực tuyến, bạn không thể in ra hay dùng nó ở những cửa hàng chỉ chấp nhận tiền mặt.
Dùng Bitcoin đem lại khá nhiều lợi ích. Bạn có thể đảm bảo Chính Phủ không can thiệp vào các giao dịch của mình, có thể tiết kiệm tiền trong các giao dịch quốc tế vì bạn không mất phí cho các bên trung gian, và có thể hoàn thành giao dịch nhanh chóng hơn. Blockchain thì khác. Đó là một sổ cái phân tán ghi lại tất cả các loại giao dịch, và có thể cài đặt để lưu giữ bất cứ vật có giá trị nào. Khi nhập thông tin mới vào blockchain, rất khó để thay đổi, trừ khi bạn có quyền kiểm soát hơn 50% số máy tính trong mạng lưới. Điềm này làm tăng độ an toàn cho mạng lưới và đảm bảo không ai có thể thay đổi những giao dịch trên blockchain.
Hai công nghệ này có thể hỗ trợ cho nhau. Trên thực tế, blockchain được khai thác cùng lúc với Bitcoin để giúp đồng tiền điện tử này hoạt động. Do không có ngân hàng hay tổ chức chính phủ nào kiểm soát, Bitcoin và các đồng tiền điện tử khác cần có một cơ chế để tạo dựng nên niềm tin ở người dùng. Nếu không có blockchain, khó có thể thuyết phục mọi người rằng giao dịch của họ an toàn và họ nên sử dụng hệ thống. Dù là 2 công nghệ tách biệt, nhưng có lẽ tiền điện tử sẽ không thể thành công như hiện tại nếu không có blockchain hỗ trợ. Blockchain làm tăng niềm tin, đồng thời khiến người dùng không phải lo lắng đến việc lộ thông tin cá nhân hay phải cần đến trung gian để giải quyết vấn đề.
Blockchain có thực sự hỗ trợ các đồng tiền điện tử ?
Blockchain hỗ trợ các đồng điện tử
Câu hỏi đặt ra là bằng cách nào blockchain làm nên sự thành công của các đồng tiền điện tử? Để hiểu được điều này, trước tiên, cần phải biết cơ chế hoạt động của blockchain. Chúng ta đã đề cập một chút ở những phần trước, nhưng vẫn còn rất nhiều điều để khám phá.
Về cơ bản, blockchain là một DB lưu trữ tất cả các giao dịch diễn ra trên mạng lưới Bitcoin. Bản sao đầy đủ của blockchain, như xuất hiện trên mạng lưới Bitcoin, sẽ chứa từng giao dịch phát sinh kể từ khi nó bắt đầu. Nhờ đó, người dùng có thể tra cứu thông tin giao dịch dễ dàng.
Hệ thống này còn được thiết lập để tăng tính bảo mật thông tin. Mỗi khối sẽ có một mã hash đặc trưng dựa trên một số thông tin của khối liền trước (các miner sẽ chịu trách nhiệm phần này). Từ đó, tạo nên một chuỗi lớn bao gồm các khối liên kết với nhau theo thứ tự hoàn hảo từ đầu đến cuối. Thông qua phương thức đặc biệt này, các khối phải được sắp xếp theo đúng trật tự, nếu không, sẽ phát sinh vấn đề với mã hash.
Mạng lưới Bitcoin
Khi đã thêm khối mới vào blockchain thì không thể thay đổi giao dịch ở khối đó. Việc cố gắng điều chỉnh sẽ làm cho mã hash của các khối phía sau đó cũng thay đổi, kết quả là sẽ gây ra một mớ hỗn độn. Những người sáng lập đưa ra hệ thống này vì họ không muốn có người gia nhập mạng lưới và tự ý thay đổi thông tin mà không ai biết.
Các thợ đào chỉ có thể tạo nên một khối mới nếu đó là khối mới nhất trên chuỗi hợp lệ dài nhất. Độ dài không dựa trên số khối mà được tính bằng tổng độ khó kết hợp trong chuỗi, mặc dù đặc tính này không phải lúc nào cũng thực sự quan trọng. Một chuỗi được coi là hợp lệ khi tất cả các giao dịch và các khối trong đó đều hợp lệ và có khối nguyên thủy (genesis block).
Nếu không có sai sót gì, mọi khối đều sẽ dẫn về khối nguyên thủy. Tuy nhiên, sẽ có ngoại lệ xảy ra khi có fork trong khối nguyên thủy này. Các fork 1 khối được tạo ra khi có 2 khối được phát triển cùng lúc. Trong trường hợp đó, các node sẽ xây dựng khối họ nhận được trước. Sau đó có thể sẽ xuất hiện các đợt fork lớn hơn khi chương trình đang fix bug trong hệ thống.
Các khối ở gần cuối của những chuỗi dài hơn có thể được thêm vào phần chính. Những chuỗi ngắn hơn, thường được gọi là chuỗi không hợp lệ, sẽ bị bỏ lại không dùng. Nếu người dùng Bitcoin chuyển qua một trong những chuỗi dài hơn, tất cả những giao dịch trên chuỗi ngắn hơn có thể được thêm vào hàng để đưa lên sau.
Như đã nói, người dùng tiền ảo có thể khai thác công nghệ này bằng nhiều cách. Quá trình này phức tạp, nhưng nó cho thấy những việc cần thực hiện để hoàn thành giao dịch trên mạng lưới Bitcoin và giúp bảo mật thông tin. Đó là lý do Bitcoin cần có nền tảng công nghệ này để hoạt động hiệu quả.
Vậy thì làm thế nào để khởi chạy các khối và bảo mật thông tin? Khi quyết định tham gia mạng lưới bitcoin, bạn sẽ nhận được địa chỉ ví và lời mời tham gia mạng lưới. Sau đó, khối đầu tiên sẽ tự động được gửi đến bạn. Tùy vào số giao dịch bạn đã hoàn thành, bạn sẽ có thể làm đầy khối sau một thời gian. Mỗi khối có thể chứa một số lượng giao dịch nhất định, và thời gian sẽ phụ thuộc vào khối lượng công việc của bạn trong mạng lưới.
Khi một khối đã đầy, nó sẽ trở thành một phần của cuốn sổ cái cố định và tham gia vào phần còn lại của chuỗi. Chuỗi của bạn sẽ dài nếu bạn thực hiện nhiều giao dịch trên mạng lưới, và sẽ ngắn nếu bạn truy cập không thường xuyên. Sau một thời gian, khi đã tham gia vào sổ cái, những chuỗi cá nhân này sẽ được thêm vào blockchain lớn để đảm bảo an toàn cho mọi thứ.
Như đã nói, đây chính là lúc các miner làm việc của họ. Họ sẽ tạo ra các code đặt biệt, gọi là hash, để ẩn thông tin cá nhân trong khối mà vẫn giữ được tính minh bạch .Khối mới sẽ sẽ có mã hash để liên kết ngược lại với khối liền trước, cứ thế cho đến hết. Mã hash phải đáp ứng một số yêu cầu để đảm bảo không ai có thể làm đảo lộn hệ thống.
Khi thành công, miner sẽ được thưởng 25 bitcoin. Với mức giá bitcoin hiện tại thì phần thưởng để bảo đảm an toàn cho hệ thống này không hề nhỏ. Miner nhận được phần thưởng cho nỗ lực của họ, và người dùng thì yên tâm thông tin của mình sẽ được an toàn.
Khi khối đã có mã hash mới, nó sẽ được gửi tới blockchain chính và trở thành một phần của bản ghi cố định. Người dùng có thể tra cứu được tất cả các thông tin trên đó bất kỳ lúc nào và đảm bảo các giao dịch đều diễn ra đúng nơi, đúng chỗ. Nhờ có các miner và bản chất của hệ thống blockchain, thông tin của bạn sẽ luôn được an toàn khi dùng bitcoin.
Blockchain thực sự đã làm nên điều khác biệt trong cách vận hành của Bitcoin và các đồng tiền điện tử khác. Nếu không có blockchain, Bitcoin sẽ không thể thành công như vậy, vì không có cách nào xây dựng niềm tin với người dùng. Blockchain có rất nhiều ứng dụng, và đang được phát triển để đưa vào đa dạng các ngành công nghiệp trên khắp thế giới.
Nguồn: bytesoft.vn